Toptruyenhay.edu.vn

Thiên Hạ Kỳ Duyên

Chương 3: Lạc Lối Ở Đông Kinh

Mấy hôm nay, mỗi lần ngủ, nàng đều cố gắng ngủ thật sâu, mong sao khi tỉnh dậy sẽ thấy mình trở về nhà, và câu chuyện kỳ quái này sẽ kết thúc như chưa bao giờ tồn tại. Nhưng không, mở mắt ra, vẫn là khung cảnh của thời đại này. Mọi thứ vẫn hiển nhiên tồn tại như một giấc mộng hoang đường.

...

Mưa ngớt dần rồi tạnh hẳn, không khí đượm một vị lạnh mát.

Gã tiều phu nghèo Từ Trọng Sinh lại vác rìu lên núi như thường lệ. Dạo này thời tiết thuận lợi, vạn vật hài hòa, nếu không kiếm được củi thì may ra vẫn có ít lá thuốc để hái mang về.

Đến non trưa, Trọng Sinh ngồi xuống một gốc cây nghỉ ngơi, vừa định giở nắm xôi ra ăn thì đột nhiên giật nảy người. Y vừa đụng phải một vật gì đó mềm mềm. Sau một phút định thần lại rằng đó không phải thú dữ, bởi nếu thú dữ thì đã tấn công người rồi, y quay lại và nhận ra dưới gốc cây có một người con gái đang nằm bất tỉnh. Nàng khoác trên mình thứ y phục lạ kỳ, áo không ra áo, váy không phải váy, chất liệu cũng là loại y chưa từng nhìn thấy trong đời. Nàng không phải trang tuyệt thế giai nhân, nhưng dáng ngủ vừa hiền hòa vừa thanh nhã, khóe mắt nhắm nghiền mơ nàng, thỉnh thoảng cánh mũi lại phập phồng theo từng nhịp thở yếu ớt. Từ Trọng Sinh vốn ít học, y không biết miêu tả nhan sắc nàng ra sao, chỉ biết ngẩn ngơ đứng nhìn hồi lâu, mãi sau mới sực tỉnh rồi vội vàng lay nàng dậy.

Vừa chạm tới lưng người con gái ấy, Từ Trọng Sinh liền cảm thấy có một thứ chất lỏng âm ấm, đặc sệt dính vào tay mình. Nhìn kĩ lại, mới biết đó là máu!

...

Hoàng Lan cảm thấy toàn thân ê ẩm. Khó khăn lắm nàng mới mở được mắt ra, cảm thấy có ánh nến mờ mờ chiếu tới và mùi dược liệu phảng phất đâu đó. Thất thần, nàng nhổm dậy và lập tức sững sờ khi nhìn tới khung cảnh xung quanh. Nàng đang ở trong một căn nhà đắp đất, mái làm bằng cỏ gianh chứ không phải bê tông hay ngói. Xung quanh không có đồ đạc gì đáng kể, ngoài chiếc giường bằng mấy tấm gỗ buộc lại với nhau mà nàng đang nằm trên đó cùng với mấy chiếc bồ (nếu nàng gọi tên đúng) chất chồng nhau ở một góc. Liếc mắt một vòng, Hoàng Lan không tìm thấy công tắc điện ở đâu. Chỉ có độc một cây nến cắm vào vỏ con trai treo lủng lẳng giữa nhà, mà hình thù cũng méo mó quái dị, không đẹp như nến sản xuất thời nay.

Thật chẳng biết đây là cái vùng thâm sơn cùng cốc quái quỷ nào nữa?

Lò dò vén tấm mành tre bước ra, thì ra trời vẫn sáng, chỉ tại căn phòng vừa rồi tối và kín đến mức ánh nắng không chiếu vào. Trước mặt Hoàng Lan là một sân đất rộng, bên cạnh có một đống rơm to, ở góc sân, một người mặc quần áo nông phu màu nâu đang ngồi xổm quạt quạt niêu thuốc trên bếp củi. Chứng kiến tất cả những cảnh ấy, Hoàng Lan không kìm được mà vô thức đưa tay dụi mắt. Chuyện này là sao? Liệu có phải nàng vẫn đang còn ở Hà Nội?

"Cô tỉnh rồi à?"

Hoàng Lan nheo mắt lại. Anh chàng áo nâu kia đang nói chuyện với mình?

"Hỏi tôi à?" Nàng trỏ tay vào người mình, không tin trên đời này còn có kiểu ăn mặc kì lạ đến thế!

Người kia hơi ngạc nhiên:

"Ở đây chỉ có tôi và cô, tôi không hỏi cô thì hỏi ai? Cô bị thương ở chân núi, ngất đi đã mấy ngày..."

Nghe Từ Trọng Sinh nói, Hoàng Lan mới nhớ đến cảm giác đau ê ẩm. Kỳ thực cơn đau chưa lúc nào dịu xuống, chẳng qua vì nàng quá sững sờ trước khung cảnh trước mắt nên mới không để ý đến nó mà thôi.

"Xin lỗi anh, nhưng đây là đâu?" Hoàng Lan nghi ngờ hỏi: "Có phải ở Hà Nội không? Thực tình tôi thấy không giống lắm... vùng này đã mắc điện chưa?"

Từ Trọng Sinh không khỏi nhăn nhó mặt mày. Y ngẫm nghĩ một hồi mà không sao hiểu được nàng đang nói gì.

"Đây là Đông Kinh. Tôi tên là Từ Trọng Sinh. Tôi nhìn thấy cô bị ngất trên núi nên đã đưa cô về nhà. Nhà tôi ở làng Đan Xá, ngoại vi kinh thành."

Đông Kinh? Kinh thành? Hoàng Lan chọi chọi đầu mình vô cửa, cảm thấy đau điếng. Quay lại nhìn, vẫn là anh chàng áo nâu kia đang dòm dòm nhìn mình. Chắc không phải mơ nhỉ?

"Nơi này cách Hà Nội xa không?"

"Hà Nội?" Từ Trọng Sinh lắc đầu: "Chưa từng nghe đến."

Lo lắng trong lòng Hoàng Lan lại tăng thêm một bậc. Dù họ đang nói chuyện với nhau bằng tiếng Việt nhưng anh chàng này thậm chí không biết Hà Nội là nơi nào. Có người Việt Nam nào không biết Hà Nội không? Một giả thiết thoáng hiện lên trong đầu khiến Hoàng Lan lạnh cả sống lưng. Nàng bắt đầu đi vòng quanh ngôi nhà một vòng, ngó nghiêng không ngừng, như thể đang tìm kiếm thứ gì đó.

Không có dấu vết của thời hiện đại!

"Này anh, cho tôi hỏi đang là năm nào vậy?" Sau khi trở lại chỗ cũ, nàng nói với Từ Trọng Sinh lúc này vẫn đang đứng trân trân một chỗ.

Vẻ mặt của Trọng Sinh càng kỳ quái hơn. Chẳng lẽ cô gái này bị thương đến nỗi mất trí nhớ?

"Đang là năm Quang Thuận thứ nhất."

"Năm Quang Thuận thứ nhất?" Hoàng Lan mông lung nhắc lại. Nếu như đối với Từ Trọng Sinh. Hà Nội là một nơi xa lạ thì đối với Hoàng Lan, Quang Thuận cũng là một niên hiệu vô nghĩa: "Đợi đã đợi đã, gần đây có xảy ra sự kiện gì đặc biệt không?"

Ngoài việc vua mới đăng cơ, Từ Trọng Sinh chẳng biết có chuyện gì đặc biệt hơn cả. Nhưng có vẻ nàng không biết Quang Thuận là gì, nói thêm cũng vô ích.

"Không có." Y lắc đầu.

"Nhất định phải có chứ." Hoàng Lan cần xác định chính xác đây là thời đại nào, và xứ sở này, nếu như xứ sở và thời đại đó thực sự tồn tại: "Vài năm trước, vài chục năm trước cũng được, anh cố nhớ đi."

Gương mặt Từ Trọng Sinh thoáng chút tự hào:

"Mấy chục năm trước, vua Lê Thái Tổ đã đánh tan giặc Ngô phương Bắc, giành độc lập cho con dân Đại Việt. Chuyện này xảy ra cũng mấy chục năm rồi, thậm chí khi ấy tôi còn chưa sinh ra, nhưng bà ngoại tôi vẫn thường hay nhắc lại. Năm xưa bà từng làm đầu bếp nấu ăn trong doanh trại của nghĩa quân Lam Sơn..."

Trong khi Từ Trọng Sinh thao thao bất tuyệt, Hoàng Lan còn mải sắp xếp lại mớ lộn xộn trong đầu. Kiến thức lịch sử, giờ nàng mới thấy nó hữu hiệu đến mức nào.

"Vua Lê Thái Tổ mà anh nói, có phải tên là Lê Lợi không?..."

"Vua Lê Thái Tổ mà anh nói, có phải tên là Lê Lợi không?..."

Không đợi nàng nói hết câu, Từ Trọng Sinh đã trừng mắt lên quát. Là con dân Đại Việt, y úy kỵ nhất điều này.

"Cô này, cô là ai mà dám gọi thẳng tên húy của ngài ra như vậy?"

Phản ứng mạnh như vậy đồng nghĩa với khẳng định! Hoàng Lan thiếu chút nữa là xỉu tiếp tại chỗ.

Được một lúc thì thêm một người về nhà. Từ Trọng Sinh giới thiệu đây là vợ y. Nàng ta tên Hà, nhìn chung gương mặt phúc hậu hiền lành.

Theo như lời kể, Từ Trọng Sinh đang đi rừng thì gặp Hoàng Lan nằm bất tỉnh ở gốc cây. Ban đầu y tưởng Hoàng Lan mê mệt ngủ quên, nhưng sau khi thấy nàng bị thương, đoán nàng bị ngã từ vách đá cao xuống, Từ Trọng Sinh bèn vội vàng đem nàng về đây. Hai vợ chồng, kẻ đun thuốc người chữa trị, đến ngày thứ ba, tức hôm nay, Hoàng Lan dần tỉnh lại.

Ngồi lắng nghe một ngày, cuối cùng Hoàng Lan cũng phải chấp nhận sự thật rằng trên thế giới còn nhiều chuyện không tưởng và việc nàng đang ở đây là một ví dụ điển hình. Đang đi ngạo sơn vãn cảnh cùng Trường Giang, nàng gặp một cơn giông rồi bỗng chốc tỉnh dậy ở thời Hậu Lê cách đây hàng trăm năm. Chuyện này mà kể ra, người ta không tống nàng vào Trâu Quỳ mới lạ.

Dĩ nhiên ở thời đại này không có Trâu Quỳ. Muốn vào Trâu Quỳ, ít nhất phải tìm được cách trở về thế kỷ hai mươi mốt trước đã.

Mọi chuyện cứ như một giấc mơ vậy!

Chẳng lẽ là do chiếc vòng nhặt được ở bãi đá sông Hồng? Càng nghĩ lại, Hoàng Lan càng cảm không phải không có khả năng. Chỉ riêng việc chiếc vòng vô duyên vô cớ xuất hiện xuất hiện trong hành trang của nàng đã là một chuyện khó hiểu rồi. Nhớ ra trước đó mình đã nhét nó vào túi áo, Hoàng Lan bèn lục tìm lại nhưng chỉ tìm thấy một chiếc bật lửa nàng vẫn mang theo, còn chiếc vòng đã biến mất không một dấu vết. Nàng hỏi Từ Trọng Sinh, y cũng lắc đầu, nói chưa nhìn thấy món trang sức ấy bao giờ.

Chắc chắn chiếc vòng ấy có vấn đề!

Mấy hôm nay, mỗi khi ngủ, Hoàng Lan đều cố gắng ngủ thật sâu, mong sao khi tỉnh dậy sẽ thấy mình trở về nhà, và câu chuyện kỳ quái này sẽ kết thúc như chưa bao giờ tồn tại. Nhưng không, mở mắt ra, vẫn là khung cảnh của thời đại này. Mọi thứ vẫn hiển nhiên tồn tại như một giấc mộng hoang đường.

Vợ chồng Từ Trọng Sinh là những người tốt và rất hiền lành. Ở với họ, sự sợ hãi và hoang mang của Hoàng Lan dần không còn nữa. Sang đế ngày thứ bảy, Hoàng Lan bắt đầu rời khỏi nhà. Nàng tò mò theo chân vợ chồng Từ Trọng Sinh vào trong nội thành Đông Kinh, khám phá cái thế giới mà cách đây không lâu, nàng chưa từng nghĩ sẽ có ngày mình đặt chân tới.

...

Tiết trời mùa hè ở Đông Kinh khá nóng nực, ở lâu trong ngự thư phòng cũng không tránh khỏi ngột ngạt, Tư Thành bèn rảo bước ra ngự hoa viên. Hắn ngồi trong một tiểu đình, lười nhác ngắm mấy hòn giả sơn phía xa. Cảnh sắc vạn phần hài hòa, tâm tư hắn cũng vậy. Một tiểu thái giám bưng trà đến, cung kính dâng lên hoàng thượng một chén trà ướp hương sen.

"Bệ hạ."

Một giọng nói mượt mà cất lên. Liền đó, ở phía trước tiểu đình xuất hiện một người con gái nhan sắc tuyệt đối không phải tầm thường, phía sau còn có bốn năm cung nữ theo hầu. Dung mạo đài các kiêu sa, đôi mắt trong veo như ngọc quý, lấp lánh dưới hàng lông mày lá liễu tuyệt đẹp, miệng nói mỗi câu đều thánh thót tựa tài nữ gảy đàn. Hôm nay, nàng ta mặc một chiếc yếm quây cổ màu hoa đào, trên có đính các hạt trang sức vàng ngọc, mơ hồ ôm lấy khuôn ngực nửa kín nửa hở; bên ngoài là áo giao lĩnh (1) màu tím nhạt và váy lụa đào, viền cổ và tay áo đều thêu hình hoa cúc tinh xảo, đẹp mắt. Y phục của nàng ta may từ gấm, loại vải mặc thời tiết này vô cùng mát mẻ. Mái tóc thì xõa dài sau lưng, kiểu tóc thịnh hành của phụ nữ đương thời, không quên điểm trang ình bằng một cây trâm tinh tế làm từ bích ngọc. Dung mạo như thế, y phục như thế, nhìn qua cũng biết không phải người tầm thường trong cung. Nàng ta là chiêu nghi Phùng Diệm Quỳnh, con gái của quan gián nghị đại phu đương triều Phùng Văn Đạt.

"Phùng chiêu nghi, trẫm còn tưởng là ai." Khi thấy mỹ nhân này xuất hiện, sắc mặt Tư Thành cũng không thay đổi nhiều lắm. Phùng Diệm Quỳnh theo hầu Tư Thành từ khi hắn còn là Bình Nguyên vương. Trong số các phi tần trong vương phủ, nhan sắc nàng ta thuộc hàng nổi bật nhất, lại thêm gia thế hiển hách nên dễ dàng lọt vào mắt xanh của Tư Thành, khi hắn đăng cơ liền phong nàng ta làm chiêu nghi, tước vị đứng đầu cửu tần.

"Thần thiếp đến điện Bảo Quang tìm bệ hạ, hóa ra bệ hạ lại ngắm cảnh ngoài ngự hoa viên."

Phùng Diệm Quỳnh vừa giả bộ giận dỗi vừa phe phẩy chiếc quạt lông trong tay. Theo động tác này, một mùi hương ngọt ngào, thanh khiết tỏa ra, càng thưởng thức càng thấy mê hoặc. Con người này là vậy, ở trong cung, phục sức cũng như phấn hương luôn tự làm ình nổi bật nhất. Tư Thành cũng tiện tay kéo nàng ta ngồi xuống ghế, cười hỏi:

"Chiêu nghi tìm trẫm, hẳn có gì hay muốn trẫm thưởng thức phải không?"

"Mấy ngày nay thời tiết nóng bức, nghĩ đến bệ hạ chính sự vất vả, thần thiếp tự tay làm món chè long nhãn người thích ăn nhất. Long nhãn ăn vào điều hòa khí huyết, hạ nhiệt giải độc, lại thêm tâm tư của thần thiếp vì người mà dành cả vào đấy. Bệ hạ không chê di giá đến Đan Ngọc các của thần thiếp chứ?"

Nói cả ngày, tóm lại chỉ muốn lôi trẫm đến chỗ nàng thôi mà, việc gì phải vòng vèo như vậy! Tư Thành thầm nghĩ nhưng vẫn mỉm cười, vui vẻ cùng Phùng Diệm Quỳnh bãi giá Đan Ngọc các.

Hai người họ rời tiểu đình, không để ý có một người con gái khác đứng nhìn theo, ánh nắng chiếu lên gương mặt xinh đẹp như thiên tiên nhưng đầy vẻ ai oán, hận thù.

...

Đông Kinh, xét cho cùng cũng có một chút tương đồng với trí tưởng tượng của Hoàng Lan. Hai bên nhà cửa lưa thưa, không xây cao quá, kiến trúc tương tự như nàng đã từng thấy ở trong mấy ngôi chùa cổ. Theo như lời kể của Trọng Sinh, việc buôn bán ở trung tâm kinh thành tấp nập hơn so với làng quê ở ngoại vi như chỗ nhà y. Dọc hai bên đường, những hàng quán được bày ra, người mua kẻ bán tấp nập. Họ mua bán chủ yếu là nông sản và sản phẩm thủ công, tuy nhìn thô sơ nhưng khá lạ mắt. Hoàng Lan ban đầu còn e ngại người thời xưa, sau đó thì còn hào hứng hơn cả vợ chồng Trọng Sinh, chỗ nào thấy đông người cũng chen vào xem. Hôm nay nàng mặc một chiếc váy tứ thân màu nâu. Chiếc váy này nàng vốn mượn tạm của Hà. Từ Trọng Sinh có lý, nếu Hoàng Lan mặc áo phông quần bò như lúc lạc đến đây, chắc chắn sẽ nàng sẽ trở thành tâm điểm chú ý. Nhập gia tùy tục, đạo lý này Hoàng Lan hiểu.

Đi cả ngày, Hoàng Lan mua được một đôi hài. Chất liệu của hài này khá thô cứng nhưng đường chỉ thêu tinh xảo, màu sắc lại nổi bật bắt mắt. Thấy Từ Trọng Sinh đưa cho người bán hàng năm đồng xu nhỏ, nàng áy náy muốn trả đồ lại, Hà chỉ cười và nói rằng năm tiền là giá rẻ nhất rồi.

Đường phố đang yên ắng bỗng vang lên tiếng ngựa hí dồn, kế theo đó là tiếng người quát tháo ầm ĩ. Hoàng Lan còn chưa kịp hiểu chuyện gì xảy ra thì đã bị Từ Trọng Sinh kéo lùi vào lề đường. Những người đang mua sắm cũng vội vàng dạt sang hai bên, sợ sệt nhường đường cho kẻ vừa xuất hiện.

Kẻ gây ồn ã là một gã mặt trắng, áo gấm bảnh bao, nhìn qua cũng biết là công tử con nhà giàu. Hắn cứ huênh hoang cưỡi ngựa giữa đường, ai không muốn bị húc chết thì tự biết điều mà tránh sang chỗ khác, chứ bản thân hắn thì không có ý định nhường đường bất kì ai. Nhưng đó chưa phải điều chướng tai gai mắt nhất. Ngay phía sau đuôi ngựa còn có một bé gái chỉ tầm chín, mười tuổi, dáng vẻ gầy gò nhem nhuốc, quần áo vá chằng vá đụp. Hai tay nó bị trói gô lại bằng một sợi dây thừng, và cái kẻ cầm đầu sợi dây cứ thế đắc ý mà lôi nó đi xềnh xệch. Sức trẻ con làm sao đọ lại được sức ngựa! Đứa trẻ khổ sở mãi vẫn không theo kịp kẻ phía trước, nó gần như bị kéo lê đi, chân tay sớm đã bị mặt đường chà xát đến rớm máu. Nhưng những lời cầu xin của nó lại chẳng may may là tên khốn kia mủi lòng. Họa chăng hắn không cho ngựa phi nước đại chỉ vì không muốn để đứa trẻ chết nhanh mà thôi.

"Hắn là Lê Thụ, con trai thiếu úy Lê Lăng. Không như người anh cả Lê Bộc, Lê Thụ là một tên ác bá nổi tiếng ở kinh thành." Thấy Hoàng Lan cứ nhìn chăm chăm vào Lê Thụ, Từ Trọng Sinh hạ giọng giải thích: "Ức hiếp hạ dân, cho vay nặng lãi, chiếm đoạt con gái nhà lành, không có việc ác nào mà tên Lê Thụ này không làm."

Sớm đã nhìn ra bản mặt của Lê Thụ không tử tế gì, Hoàng Lan bức xúc hỏi:

"Thế không có ai tố cáo hắn sao? Hắn làm nhiều việc thất đức như vậy mà quan lại cũng nhắm mắt làm ngơ à?"

Từ Trọng Sinh ảm đạm đáp:

"Cha của Lê Thụ làm đến chức nhập nội thiếu úy, nghe đâu ông ta còn có một người con nuôi là phi tần của bệ hạ. Họ Lê gia thế hiển hách lắm, đến quan trên còn phải nể mặt Lê Thụ vài phần, nào ai dám tố cáo hắn? Hồi trước cũng có người bị hắn bắt mất con gái, định tìm đến cửa nha môn hình bộ kêu oan, nào ngờ án còn chưa được xử thì người đó đã bị Lê Thụ sai thủ hạ đánh gãy cả hai chân. Dân nghèo như chúng tôi chỉ mong sống yên ổn, mọi người tránh mặt hắn còn không kịp, chẳng ai dại dột mà đâm đầu đi tố cáo hắn đâu. Có lẽ cha mẹ đứa bé này thiếu tiền Lê Thụ, đến hạn không trả được, hắn mới bắt con gái người ta đi làm tôi tớ cho Họ Lê..."

Từ Trọng Sinh càng giải thích, Hoàng Lan lại càng cảm thấy bức xúc. Cũng có thể vì cái cách Lê Thụ đối xử với đứa bé này quá mức tàn nhẫn, cũng có thể do thế kỉ hai mươi mốt đề cao nhân quyền nên tạm thời nàng vẫn chưa thể thích nghi được với cảnh tượng ghê tởm đang diễn ra trước mắt.

Từ Trọng Sinh càng giải thích, Hoàng Lan lại càng cảm thấy bức xúc. Cũng có thể vì cái cách Lê Thụ đối xử với đứa bé này quá mức tàn nhẫn, cũng có thể do thế kỉ hai mươi mốt đề cao nhân quyền nên tạm thời nàng vẫn chưa thể thích nghi được với cảnh tượng ghê tởm đang diễn ra trước mắt.

Vó ngựa vẫn vang lên đều đặn. Tiếng thổn thức như đứt thành từng đoạn, biến mất trong dòng người hỗn độn. Mọi người đều nghe thấy, nhìn thấy rất rõ ràng, nhưng đến khi đối diện vẻ mặt hung thần của Lê Thụ, tất cả những gì họ làm chỉ là rụt rè quay mặt sang hướng khác. Có lẽ Từ Trọng Sinh nói đúng. Dân nghèo chỉ mong sống yên ổn. Nhưng đối với Hoàng Lan, mạng người còn quan trọng hơn sự yên ổn ấy. Nếu Lê Thụ cứ tiếp tục kéo lê thêm một đoạn nữa, dám chắc đứa trẻ tội nghiệp kia sẽ không sống nổi.

Đúng lúc Hoàng Lan định bước ra thì có một bàn tay giữ lấy nàng, nhìn lại thì hóa ra đó là Từ Trọng Sinh.

"Đừng làm vậy." Y đủ tinh ý để nhận ra ý định dại dột trong đầu Hoàng Lan: "Chúng ta chỉ là người thấp cổ bé họng, không nên dại dột đem trứng chọi đá, sẽ chẳng thay đổi được gì đâu."

Ở thời đại này, lời của Từ Trọng Sinh không phải không có lý. Lê Thụ hống hách ngang ngược đã bao năm nay, vậy mà hắn vẫn chẳng bị ai trừng phạt, thậm chí còn trắng trẻo béo tốt, nghĩ lại cũng không phải không có lý do.

Hoàng Lan áy náy nhìn đến đứa trẻ kia, trong thâm tâm bất giác liên tưởng đến những đứa trẻ bán báo như Hiên, vì thế lại càng không muốn bỏ cuộc.

"Ngộ nhỡ đứa trẻ bị hắn kéo chết thì sao?"

"Chuyện này đã từng xảy ra rồi." Người bên cạnh nàng trả lời: "Cô cho rằng Lê Thụ sẽ bị trừng trị à? Hay là hắn sẽ cắn rứt lương tâm?" Từ Trọng Sinh tự hỏi rồi tự lắc đầu: "Cùng lắm thì hắn đem xác người chết về cho cha mẹ họ chôn cất thôi."

"Nếu có người đứng ra cầu xin hắn thì sao?"

"Lê Thụ không phải kẻ biết nói lý lẽ." Từ Trọng Sinh thở dài, có vẻ không muốn tiếp tục dính dáng đến chuyện không phải của mình nữa.

Chiều buông xuống. Nắng tắt dần. Hoàng Lan cứ nhìn theo bóng hình gầy gò, run rẩy ấy, trong lòng cảm thấy nghèn nghẹn.

...

"Công tử Lệ Thụ, khoan đi đã!"

Một tiếng nói vang lên khiến Lê Thụ giật mình quay lại, khó hiểu nhìn người con gái lạ mặt vừa bước ra từ hàng người ven đường.

Chính Hoàng Lan cũng không hiểu vì sao mình lại làm như vậy. Hình như lương tâm của nàng đã lên tiếng trước lý trí. Ở một bên, Từ Trọng Sinh và Hà thấp thỏm nhìn nhau, chỉ hận không kịp thời ngăn cản Hoàng Lan lại, nhưng giờ bỏ mặc đối phương mà đi lánh nạn thì nói thật, họ cũng không đành lòng.

Lê Thụ đánh giá Hoàng Lan một lượt, thấy nàng tuy ăn mặc quê mùa nhưng cũng có chút nhan sắc thì máu dê nổi lên, bật cười nham nhở:

"Ngươi muốn gì?"

Dĩ nhiên Hoàng Lan biết ánh mắt kia của Lê Thụ có ý tứ gì, nhưng đâm lao thì phải theo lao, hơn nữa, nàng cũng không nỡ để đứa trẻ tội nghiệp kia chết sau vó ngựa của Lê Thụ.

Và thế là Hoàng Lan bước lên thêm vài bước, không nhanh không chậm nói:

"Công tử tha cho đứa trẻ kia được không? Nó chỉ là một đứa trẻ, còn chưa làm gì lên tội..."

Hà Nội nơi nàng từng sống, trẻ em đều được cả xã hội quan tâm, không thể có cảnh bị kéo lê trên đường và bỏ mặc sống chết như thế này. Hoàng Lan có thể đứng thương lượng với Lê Thụ, chính nàng cũng đã nhẫn nại lắm rồi. Thực ra trong thâm tâm, nàng chỉ muốn chọi luôn cả đôi hài mới mua vào mặt hắn!

"Ha, cha con bé này vay ta năm mươi quan tiền, có giấy trắng mực đen rõ ràng, giờ lão ta bị bệnh mà chết, nhà nó không trả được nợ, ta bắt nó về phủ làm nô cũng là chuyện thường tình." Lê Thụ nhíu mày: "Năm mươi quan tiền để đổi lấy một con bé vô dụng, người thiệt thòi là Lê Thụ ta mới đúng, giờ ngươi còn muốn ta thả người? Thử hỏi đạo lý này ở đâu?"

Cường hào ác bá cũng có dăm ba loại, có loại trơ trẽn mặt dày, ngang nhiên ức hiếp người khác, cũng có loại hành vi đểu giả nhưng ngoài miệng vẫn ra vẻ ta là người tốt. Loại thứ hai nguy hiểm hơn, và kẻ trước mặt Hoàng Lan chính là một ví dụ điển hình.

"Nhưng ít ra công tử cũng không nên kéo người đi như thế." Hoàng Lan lựa lời đối đáp, nhưng càng nói càng đanh thép: "Công tử xem, đường nhiều cát sỏi, ngựa của ngài lại chạy nhanh, giờ khắp người đứa trẻ chỗ nào cũng xây xước hết cả, nói không chừng chưa về đến nhà ngài, nó đã bị ngài hành hạ đến chết rồi cũng nên."

Một vài người tò mò nhìn đến Hoàng Lan. Nạn nhân chính cũng hướng ánh mắt tròn to, trong veo về phía nàng. Dù sao, đây cũng là lần đầu tiên có kẻ dám đứng ra kì kèo về hành vi của Lê Thụ!

Rõ ràng Lê Thụ đang toan tính gì đó, nhưng hắn vẫn giữ nguyên nụ cười nham nhở cố hữu, một lúc sau mới giả bộ miễn cưỡng lên tiếng:

"Muốn ta thả người? Được thôi, nhưng ngươi cũng phải đồng ý với ta một điều kiện."

Hà rụt rè giật giật tay áo Hoàng Lan, ra hiệu cho nàng nên dừng việc liều lĩnh này lại ngay. Ai mà chẳng biết Lê Thụ đang ám chỉ cái gì. Hoàng Lan cũng biết, nhưng đối phương còn chưa ngả bài, bây giờ nàng bỏ cuộc e rằng vẫn còn quá sớm. Hơn nữa, nếu hôm nay không thể cứu đứa trẻ kia, những ngày tháng sau này của nó sẽ càng thê thảm hơn.

"Không biết điều kiện của công tử là gì?" Hoàng Lan dò hỏi.

Quả nhiên Lê Thụ nhếch mép nham hiểm:

"Không được dùng vật sắc nhọn, nếu chỉ dựa vào sức ngươi hiện tại mà có thể cắt đứt sợi dây thừng trong tay ta, ta sẽ bằng lòng tha cho đứa trẻ đó, không bắt nó về nữa. Bằng không, chính ngươi cũng sẽ phải theo ta về nhà, làm nô bộc rửa chân cho ta."

Cả đám người lập tức xôn xao. Không dùng vật sắc nhọn, làm sao có thể cắt đứt một sợi dây thừng? Tất nhiên cũng không ai dại gì mà chường mặt ra cho Hoàng Lan mượn một con dao cái kéo, trừ khi kẻ đó muốn bị Lê Thụ san bằng cả nhà!

Nói cách khác, đặt ra điều kiện hoang đường này, Lê Thụ đã nắm chắc phần thắng. Đáng lẽ hắn cũng không cần phải dây dưa nhiều với Hoàng Lan như thế, nhưng như đã nói, hắn là ác bá thuộc dạng thứ hai, thỉnh thoảng hứng lên cũng muốn đem thể diện ra nói chuyện. Giữa chốn chợ búa đông đúc, hắn có bắt người về cũng muốn phải quang minh chính đại một chút.

Thấy Hoàng Lan vẫn đứng tần ngần một chỗ, hắn hơi cụt hứng.

"Thế nào, nếu ngươi sợ thì thôi vậy."

"Thế nào, nếu ngươi sợ thì thôi vậy."

Hoàng Lan không phản ứng, không phải vì nàng sợ, mà vì nàng đang nhớ đến chiếc bật lửa vẫn mang theo bên mình. Nó là quà sinh nhật của Trường Giang tặng nàng. Nói sinh nhật mà tặng nhau bật lửa thì cũng hơi kì, nhưng chiếc bật lửa này ngoài vỏ in hình cỏ ba lá, lại có gắn móc đeo, nhìn chung giống một món đồ trang trí hơn. Tính Hoàng Lan không ưa màu mè hoa hoét, ngược lại thích những vật thiết thực mà độc đáo, bởi vậy nàng rất ưng chiếc bật lửa này, đi đâu cũng đút túi mang theo, vốn chỉ tưởng là một thói quen, nào ngờ hôm nay lại có việc dùng tới.

Nở một nụ cười tự tin, Hoàng Lan chậm rãi nói:

"Hy vọng công tử nói lời giữ lời."

Ý của nàng là mượn những người dân quanh đây làm chứng. Lê Thụ cứng ngắc gật đầu. Nàng ta dám sao? Rồi tự nhiên hắn lại có một ý nghĩ khá hài hước, phải chăng nàng ta hâm mộ hắn quá nên mới bày trò này để được theo chân hắn về nhà họ Lê?

"Nên nhớ, không được dùng vật sắc nhọn." Hắn chu đáo nhắc thêm lần nữa. Người này ăn mặc đơn giản, không đến mức giấu cả đao kiếm trong người chứ?

Mọi người thấy Hoàng Lan không thèm đáp lại, chỉ hạ giọng trấn an đứa trẻ kia rồi lấy ra một vật lạ hoắc. Vì nàng cố tình khom người nên họ không nhìn rõ điều gì đang xảy ra, chỉ thấy ngón tay cái của nàng bấm bấm vài cái, rồi bỗng nhiên, từ vật lạ hoắc ấy, một ngọn lửa bùng lên. Cả đám người tròn mắt nhìn nhau. Dây thừng có chắc đến đâu thì cũng không đọ lại với sự thiêu đốt của lửa. Mùi thừng bị đốt bốc lên khét lẹt, rồi chỉ một lúc sau, sợi dây đứt làm đôi trong sự hoang mang lẫn lộn của tất cả mọi người.

Bao gồm cả Từ Trọng Sinh. Bao gồm cả Lê Thụ!

Lúc đưa ra điều kiện này, Lê Thụ đã dám chắc Hoàng Lan không thể nào thành công. Dao kéo kiếm gươm ư? Thứ gì nàng cũng không có. Vậy mà sợi dây thừng lại đứt trong tay nàng, hơn nữa còn vô duyên vô cớ xuất hiện một ngọn lửa, bảo sao Lê Thụ không ngạc nhiên? Hắn không chỉ ngạc nhiên, mà còn cảm thấy vạn phần kì quái.

Lê Thụ còn đang ngẩn tò te thì Hoàng Lan đã ném sợi dây bị đứt làm đôi trước mặt hắn.

"Dùng lửa đốt dây không bị tính là phạm luật phải không?" Hoàng Lan phủi phủi tay rồi đến đỡ đứa trẻ kia dậy: "Yêu cầu của công tử, tôi đã làm được rồi, cũng hy vọng công tử giữ lời hứa, không làm khó đứa trẻ này nữa."

Vốn muốn công khai hạ nhục đối phương, nào ngờ lại bị qua mặt, Lê Thụ tức nghẹn họng. Hắn trợn trừng mắt lên với Hoàng Lan, trong phút chốc, nào là sĩ diện, nào là làm bộ làm tịch đều biến mất, hắn trở về với bản chất đểu giả và lật lọng cố hữu. Muốn hắn thả người ư? Nằm mơ đi! Không chỉ không thả người, hắn còn muốn bắt luôn cả Hoàng Lan về để giày vò cho hả dạ. Nên nhớ rằng Lê Thụ vốn quen lộng hành ngang ngược, xưa nay chỉ có kẻ khác nhường hắn, làm gì có chuyện hắn phải thỏa hiệp với ai!

Suy nghĩ của Hoàng Lan thì đơn giản hơn. Nàng biết Lê Thụ quen thói ức hiếp kẻ yếu, nhưng đây là chốn đông người, hắn sẽ không đến mức lật lọng trắng trợn chứ? Mạng người là quan trọng, dù chỉ là một tia hy vọng nhỏ nhoi, nàng cũng tình nguyện đánh cuộc.

Ánh mắt của Hoàng Lan và Lê Thụ chạm nhau, một bình tĩnh kiên định, một tức tối phẫn nộ. Trong phút chốc, những người xung quanh đều ái ngại nhìn Hoàng Lan như nhìn một con gà sắp bị cắt tiết. Người con gái này quá ngây thơ hay do đầu óc nàng ta có vấn đề thật rồi? Muốn Lê Thụ giữ lời hứa ư? Trừ khi mặt trời mọc đằng tây. Hơn nữa, từ xưa đến nay, chưa ai chọc giận Lê Thụ mà có kết cục tốt đẹp cả...

Đúng lúc ấy, một tên gia nô từ đâu chạy tới, nói nhỏ với Lê Thụ vài câu. Không biết có chuyện gì xảy ra mà bản mặt vênh váo của hắn đột nhiên sa sầm lại.

"Ta có việc phải làm, không rảnh mà tính toán với hạng dân đen các ngươi nữa! Coi như hôm nay các ngươi may mắn, lần sau gặp lại, lúc ấy đừng trách ta không nể mặt."

Gầm ghè dọa nạt xong, Lê Thụ thúc ngựa bỏ đi thẳng, không thèm nhìn lại dù chỉ một lần.

Tất nhiên duyên nợ giữa Hoàng Lan và Lê Thụ chưa thể chấm dứt ở đây. Nhưng đó là chuyện sau này, còn bây giờ, nàng chỉ thấy vui vẻ vì đã cứu được đứa trẻ kia khỏi tay tên ôn thần Lê Thụ.

...

"Hoàng Lan à, món đồ của cô là bảo bối gì vậy? Nó có thể biến hóa ra được lửa thật à?"

Hà tò mò hỏi khi ba người họ về đến nhà.

Vì muốn che giấu việc mình từ tương lai lạc đến đây, Hoàng Lan chỉ cười cười lấp liếm cho qua chuyện. Kẻ có thái độ khác thường nhất lại là Từ Trọng Sinh. Dọc đường về, mặt mũi y cứ nhăn nhó, chốc chốc lại thở dài, giống như vừa đánh rơi cả chục quan tiền vậy.

Từ Trọng Sinh lo sợ Lê Thụ sẽ kéo người đến trả thù.

Nhưng cũng không thể trách Hoàng Lan. Là người của thế giới hiện đại, dĩ nhiên nàng không quen với việc nhìn người khác bị hành hạ như súc vật, càng không muốn thấy cảnh chết chóc xảy ra. Có những lúc con người ta liều lĩnh ra mặt, không phải vì muốn giở thói nữ lưu anh hùng, gây ấn tượng với bàn dân thiên hạ, mà cốt yếu bởi lương tâm không cho phép họ trơ mắt đứng nhìn mà thôi.

Thế giới xa lạ này, vẫn còn rất nhiều điều đang chờ đợi nàng phía trước.

...

Chú thích:

(1) Áo giao lĩnh: Là một loại áo phổ biến thời phong kiến Việt Nam. Khác với áo Viên lĩnh (áo cổ tròn), áo giao lĩnh cổ chéo, kéo qua nách dưới bên phải của người mặc, thân áo thường kéo dài qua hẳn đầu gối, dài đến mắt cá chân hoặc nửa bắp chân. Bên trong có mặc một hoặc hai lớp áo lót, cũng kiểu giao lĩnh như vậy nhưng ngắn hơn, còn gọi là áo Trung đơn. Bên dưới, đàn ông thường mang quần chân, đàn bà mặc váy tròn. Ngoài ra còn có một khố vải dài thắt ở thắt lưng để che hạ thể, còn gọi là Thường. Người ta thường dùng dây buộc để thắt áo trung đơn và Thường, ngoài mặc thêm một lớp áo Giao lĩnh dài.

(2) Cấp bậc trong hậu cung nhà Lê:

Hoàng hậu (nhưng các vị vua nhà Lê Sơ thường không phong hoàng hậu khi còn sống).

Tam phi: Quý phi, Minh phi, Kính phi.

Cửu tần: Chiêu nghi, chiêu dung, chiêu viên, tu nghi, tu dung, tu viên, sung nghi, sung dung, sung viên.

Lục chức: Tiệp dư, dung hoa, tuyên vinh, tài nhân, lương nhân, mỹ nhân.

Truyện convert hay : Tận Xương Ấm Hôn

Truyện Thiên Hạ Kỳ Duyên

Truyện Ngôn Tình - Truyện Ngôn Tình Full (Ngôn Tình Hoàn) - Đọc truyện Ngôn Tình online, mê đọc truyện Ngôn Tìnhtruyện Ngôn Tình hay. Website luôn cập nhật những bộ truyện Ngôn Tình mới thuộc các thể loại đặc sắc như truyện Ngôn Tình Sắctruyện Ngôn Tình Sủng, hay truyện Ngôn Tình hài một cách nhanh nhất. Hỗ trợ mọi thiết bị như di động và máy tính bảng.

Chuyên mục: Kinh Nghiệm Đọc Truyện, Review Truyện